024 7303 7168

Chủ tịch Hoàng Quốc Việt: "Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội tiềm năng rất lớn từ sự hợp tác 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ cả về nhân lực và đầu tư chuyển đổi số"

Chủ tịch Hoàng Quốc Việt: "Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội tiềm năng rất lớn từ sự hợp tác 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ cả về nhân lực và đầu tư chuyển đổi số"

    910

Ngày 28/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, toạ đàm quốc tế với chủ đề “Giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và thách thức” đã được tổ chức tại tòa nhà A18 Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đồng tổ chức. Tham dự tọa đàm có các đại diện đến từ các bộ, ngành và các cơ quan nghiên cứu, Công ty CP Vietsoftpro cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM).

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietsoftpro đã có bài phát biểu tham luận về các vấn đề thực tiễn trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư với Ấn Độ. Toàn văn bài phát biểu như sau:

"Trong buổi tọa đàm này, tôi xin phép được chia sẻ một số vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp chúng tôi đang gặp phải trong việc hợp tác kinh doanh đầu tư với Ấn Độ.

Vietsoftpro chúng tôi là doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ chuyển đổi số tại Việt Nam, tiên phong trong một số lĩnh vực như di sản văn hóa và du lịch. Vietsoftpro được thành lập năm 2007 bởi tôi và 1 số người bạn đều là du học sinh CNTT tại Ấn Độ trở về nước thành lập, đến nay Vietsoftpro có khoảng 200 nhân sự với các chi nhánh tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh.

Với thời gian học tập và gắn bó nhiều năm tại Ấn Độ, chúng tôi có sự am hiểu và 1 tình cảm rất đặc biệt với đất nước và con người Ấn Độ. Công ty chúng tôi từ năm 2015 đã bắt đầu có những hợp tác bước đầu với những người bạn học cũ Ấn Độ trong công việc. Đến năm 2019, khi nhu cầu tăng nhiều lên, chúng tôi bắt đầu tiến hành tuyển dụng 1 số kỹ sư CNTT làm cộng tác viên trong các dự án và tiến tới làm cơ hữu lâu dài tại Việt Nam. Và gần đây nhất chúng tôi bắt đầu đang tìm hiểu xúc tiến đầu tư 1 chi nhánh tại Ấn Độ.

Với góc độ 1 doanh nghiệp công nghệ, chúng tôi nhìn thấy những có hội tiềm năng rất lớn từ sự hợp tác 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ cả về nhân lực và đầu tư chuyển đổi số, việc hợp tác sẽ tận dụng các lợi thế của Việt Nam - đất nước năng động, tốc độ phát triển CNTT, chuyển đổi số nhanh hàng đầu thế giới và Ấn Độ - đất nước có nền tảng đào tạo CNTT rất tốt, với nhiều doanh nghiệp mạnh và thị trường rất lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi đang gặp phải 1 số vấn đề cần được tháo gỡ:

- Thứ nhất, việc tuyển dụng các kỹ sư CNTT Ấn Độ làm việc cơ hữu lâu dài tại Việt Nam đang vướng về thủ tục. Theo quy định hiện tại của Việt Nam thì muốn được cấp phép ở và làm việc lâu dài ở Việt Nam, các bạn Ấn Độ cần có chứng thực kinh nghiệm làm việc tối thiểu 3 năm tại các công ty Ấn Độ và được xác thực của đại sứ quán Việt Nam. Tuy nhiên đa phần chúng tôi tuyển dụng các bạn sinh viên giỏi mới tốt nghiệp đại học tại Ấn Độ, thì không thể đáp ứng điều kiện mà Bộ LĐTBXH đặt ra. Còn các công ty làm dịch vụ hồ sơ lao động tại Việt nam thì rất ngại làm cho lao động Ấn Độ vì họ nói thủ tục với đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cũng rất khó khăn. Hiện tại, 1 nhóm các bạn Ấn Độ mà chúng tôi mong muốn tuyển dụng đang không thể sang Việt Nam làm việc được.

- Thứ 2 là về việc đầu tư chi nhánh tại Ấn Độ, chúng tôi đang vướng mắc rất nhiều về các thủ tục, không có nhiều thông tin và sự hỗ trợ cả ở Việt Nam và Ấn Độ để hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

Qua những chia sẻ này, chúng tôi rất mong thời gian tới các cơ quan nhà nước Việt Nam và Ấn Độ sẽ có những rà soát cụ thể về những vấn đề liên quan đến hợp tác nhân lực và đầu tư giữa 2 nước, cần thực sự thông thoáng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và cần có những đầu mối cụ thể và sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đại sứ quán cho các doanh nghiệp trong các thủ tục đầu tư, tuyển dụng lao động công nghệ cao. Nếu trong tương lai có hàng trăm, hàng nghìn các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam và Ấn Độ như chúng tôi có cơ hội kết nối hợp tác thì tôi nghĩ rằng sẽ là một trọng những thước đo hiệu quả nhất cho sự hợp tác giữa 2 nước.''